Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Thời tiết nắng nóng oi bức cơ thể phản ứng như thế nào?

Ngay cả khi nghỉ ngơi thì cơ thể cũng sinh năng lượng. BS. Eric buete - Giám đốc y khoa của AFC (các bác sĩ  phản ứng nhanh ở Sarasota, Florida) cho biết: Khi thời tiết mát mẻ thì cơ thể bạn cũng tỏa ra nhiệt. Sức nóng từ cơ thể toát ra truyền sang môi trường không khí xung quanh. Khi tiết trời nóng thì cơ thể bạn toát mồ hôi để mất nhiệt nhanh hơn. Mồ hôi tiết ra trên bề mặt da và khi chúng bốc hơi sẽ thu nhiệt từ cơ thể, do đó, bạn sẽ cảm thấy mát hơn. Khi thời tiết ẩm ướt thì da khó toát mồ hôi và cũng khó bốc hơi vì không khí lúc này đã bão hòa với độ ẩm. Đó là lý do vì sao mà các bạn không than nóng quá mà nói ẩm quá không chịu được trong những ngày oi bức - nhưng cả hai: nóng và ẩm đều làm cho bạn cảm thấy quá nhiệt.

Cần bổ sung nước đầy đủ trong những ngày nắng nóng.

Cơ thể điều hoà thân nhiệt qua tuyến mồ hôi

Có hai loại tuyến mồ hôi - tuyến apocrine và eccrine. Cả hai loại tuyến đó đều tiết ra chất lỏng. Khu vực hypothalamus của não điều khiển thân nhiệt sẽ điều tiết nhiệt độ cơ thể bằng cách tiết mồ hôi ra ngoài và điều khiển lưu lượng máu dưới da. Mùi hôi do ẩm ướt thường xuất hiện ở các tuyến nội tiết vùng nách và vùng sinh dục, sự ẩm ướt ở những vùng này gây nên mùi hôi là do chúng tiếp xúc với các loại vi khuẩn ở đó.

Tuyến eccrine là tuyến tiết mồ hôi chính phân bố khắp cơ thể. Tuyến này bài tiết ra nước và muối NaCl qua ống tuyến đổ thẳng lên bề mặt da có tác dụng điều hòa thân nhiệt.

Tuyến apocrine tập trung chủ yếu ở nách và bộ phận sinh dục ngoài. Tuyến này tiết ra chất lỏng không mùi bao gồm protein, acid béo chưa no và hormon steroid. Chất lỏng này đổ vào lỗ nang lông tương tự như tuyến bã. Các thành phần này bị vi khuẩn trên bề mặt da phân hủy rồi giải phóng ra các phân tử khí có mùi hôi nách đặc trưng.

Phụ nữ có nhiều tuyến mồ hôi hơn nhưng nam giới lại tiết nhiều mồ hôi hơn vì các tuyến mồ hôi của họ hoạt động mạnh hơn. Bạn càng ra mồ hôi nhiều thì cơ thể bạn càng bị mất nước, dẫn đến các mô bị ảnh hưởng.

Phản ứng của cơ thể khi quá nóng

Biểu hiện kiệt sức do nóng quá như: hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, mệt lả, người toát mồ hôi dầm dề, nhức đầu. Để điều trị kiệt sức do nóng quá, điều quan trọng là bạn phải uống nhiều nước, di chuyển đến nơi mát mẻ hơn, chườm khăn ướt làm mát và ngâm mình vào bồn tắm.

Chứng vã mồ hôi: đây là tình trạng các tuyến mồ hôi hoạt động quá mức, thường gây ướt đẫm như tắm, nó bùng phát hơn khi nắng nóng.

Nóng quá có thể dẫn đến đột quỵ: đột quỵ có thể xảy ra khi thời tiết nóng dẫn đến mất nước, nhiệt độ cơ thể bạn lên đến 40oC, sẽ đe dọa nghiêm trọng đến mạng sống. Theo Hiệp hội các bác sĩ gia đình, trong trường hợp này, cơ thể bạn không thể tự điều tiết, các dấu hiệu đột quỵ gồm: cơ bị rút lại, tim đập nhanh, nôn ói, da phừng đỏ, nhức đầu, rối loạn tinh thần... Hãy gọi cấp cứu ngay khi bạn có những biểu hiện này. Khi bị đột quỵ do nóng quá thì phải di chuyển đến chỗ mát, ngâm mình vào nước mát, chườm mát.

Thân nhiệt cao đưa đến tăng tiêu thụ oxy của các tế bào: Sự tiêu hóa thực phẩm bị rối loạn. Dịch vị bao tử tiết ra ít, hấp thụ thực phẩm  giảm, nhu động ruột chậm lại, bệnh nhân hay bị táo bón, ít nước miếng, miệng lưỡi viêm đỏ khô, biếng ăn.

Thay đổi thần kinh, tâm trạng: đặc biệt là ở người cao tuổi và trẻ em sẽ có các biểu hiện như sảng, nói năng lung tung, kém suy luận. Khi nhiệt độ lên tới 40oC, trong người cảm thấy cực kỳ mệt nhọc; tới 41oC thì chức năng của não bắt đầu rối loạn, nếu lên tới 42oC (108oF) thì não bị tổn thương. Trường hợp này ít khi xảy ra ngoại trừ khi trúng nắng heat strocke, viêm não, xuất huyết não.

Lên cơn kinh phong: nóng quá cũng khiến bạn lên cơn co giật cơ bắp, nhất là ở trẻ em.

Nhức đầu vì giãn nở động mạch não.

Những đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi trời nắng nóng

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh do nắng nóng cao nhất. Có một vài lý do là khả năng điều hòa thân nhiệt của trẻ kém, trẻ không tự điều hòa được thân nhiệt để thích ứng với môi trường xung quanh, ví dụ ra khỏi phòng khi trời nóng trẻ thường có tốc độ chuyển hóa trong cơ thể cao, có nghĩa là cơ thể chúng thường tỏa ra sức nóng, nhưng lại không tiết đủ mồ hôi… để bảo vệ trẻ. Người lớn cần cho trẻ uống đủ nước, trái cây, luôn để trẻ ở những nơi thoáng mát, không nên để trẻ ngồi một mình trên xe, một mình ở nhà hoặc gần cửa sổ đang mở.

Người béo phì, người cao tuổi, người bị bệnh nằm liệt một chỗ và người bị đái tháo đường đều nhạy cảm với sức nóng, những người bị xơ cứng mạch máu sẽ trở nên nguy nan hơn khi trời nóng. Khi nhiệt độ cơ thể tăng thì hệ thần kinh trung ương phải làm việc vất vả hơn để điều tiết.

Uống nhiều nước hàng ngày trước khi bạn khát, khi nóng quá không nên dùng rượu, cafe... Nên mặc quần áo thoáng, tránh ra đường giờ cao điểm nóng trong ngày từ 11 giờ sáng đến 4 giờ chiều nếu có thể.

DS. Bùi Ngọc Lan Hương

((Theo Everyday Health))

0 nhận xét:

Đăng nhận xét