Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Lưu ý bất lợi khi dùng thuốc giãn phế quản

Tôi bị hen phế quản nên phải dùng thuốc giãn phế quản thường xuyên để dự phòng cơn hen. Vậy xin hỏi, khi dùng thuốc này có thể gây ra những bất lợi gì?

Nguyễn Lan An(Hòa Bình)

Trong thư bạn hỏi không nói rõ là bạn đang dùng loại thuốc giãn phế quản nào nên khó tư vấn một cách chính xác và cụ thể được. Tuy nhiên, một số thuốc giãn phế quản hiện nay người bệnh hay dùng như salbutamol, salmeterol, atrovent, berodual, combivent, tiotropium, theophyllin... Các thuốc giãn phế quản có tác dụng làm giãn cơ trơn phế quản nên làm tăng khẩu kính đường thở, giúp người bệnh dễ thở và là thuốc có vai trò quan trọng trong điều trị dự phòng để tránh xuất hiện các cơn khó thở tiếp theo ở bệnh nhân hen phế quản (dự phòng cơn hen).

Khi dùng thuốc giãn phế quản người dùng có thể gặp một số bất lợi sau:

Nhịp tim nhanh: Với các biểu hiện hồi hộp, trống ngực... Tác dụng phụ này xuất hiện ở nhiều mức độ khác nhau và tùy thuộc ở từng người bệnh. Có người chỉ thoảng qua và không gây khó chịu gì.

Run tay: Tác dụng phụ này thường lành tính và thường hết ngay khi dừng thuốc. Tuy nhiên, đây cũng là tác dụng phụ không nguy hiểm, khá lành tính và không gây hại cho người bệnh.

Khô miệng: Là tác dụng phụ hay gặp. Để tránh tác dụng này, thường nên ngậm chút nước sau khi dùng.

Ngộ độc theophyllin: Đây là tác dụng phụ đặc biệt nghiêm trọng, rất dễ xảy ra nếu người bệnh không tuân thủ nghiêm chỉ định của bác sĩ, vì liều độc và liều điều trị của theophyllin rất gần nhau. Các biểu hiện lâm sàng của ngộ độc theophyllin bao gồm: lo lắng, vật vã, nôn, buồn nôn, hồi hộp trống ngực, nhịp tim nhanh...

Vì vậy, khi gặp bất kỳ biểu hiện khác thường nào, cho dù là thoảng qua hay nặng nề, người bệnh đều phải thông báo cho bác sĩ điều trị biết để được tư vấn, xử lý kịp thời, thích hợp (khi cần thiết).

DS. Hoàng Thu Thủy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét